Máy đo đường huyết tự động là một thiết bị nhỏ gọn, cần thiết và rất tiện dụng cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, người ta còn dùng nó để tầm soát bệnh tiểu đường ở những người chưa biết có bị bệnh hay không. Máy gồm có bốn bộ phận: máy đo, bút phóng kim, kim và que đo.
Mức đường huyết an toàn
Đơn vị tính của máy đo tự động sử dụng thường là mg/dl, đường huyết lúc đói bình thường dao động từ trên 60mg/dl đến dưới 120mg/dl. Theo hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ, mức đường huyết an toàn:
Trước bữa ăn: 90 –130mg/dl.
Sau bữa ăn 1 – 2 giờ: nhỏ hơn 180mg/dl.
Trước lúc đi ngủ: 110 – 150mg/dl.
Lưu ý, do đây là một xét nghiệm xâm lấn (đâm xuyên qua da) nên chúng ta phải bảo đảm tuyệt đối vấn đề vệ sinh nơi trích máu trước và sau khi đo. Rửa sạch tay với nước ấm và xà bông rồi lau cho thật khô. Chỉ một chút xíu thức ăn, đường, nước dính trên ngón tay là kết quả đã sai đi. Các vật dụng đã sử dụng như kim, que đo, gòn… cần phải gói cẩn thận trước khi cho vào thùng rác. Mỗi máy có chỉ dẫn nơi chích máu riêng, vì thế cần chích kim ở nơi mà máy chỉ định.
Nên đo lúc đói hay no?
Một số bệnh nhân tiểu đường có thể cần đo đường huyết nhiều lần trong ngày hơn bệnh nhân khác, tùy theo chỉ định bác sĩ. Thời điểm đo đường huyết có thể là lúc đói (tám tiếng sau ăn), thường là buổi sáng sau khi thức dậy chưa ăn uống; hoặc sau ăn hai giờ; hoặc đo đường huyết vào một lúc bất kỳ nào đó, khi cảm giác trong người có dấu hiệu đường lên cao, xuống thấp.
Không tự ý đoán bệnh từ kết quả
Đối với người bệnh: tùy tình trạng nặng hay nhẹ của bệnh tiểu đường và giai đoạn điều trị mà khi có kết quả, bác sĩ điều trị có thể dựa vào đó để điều chỉnh chế độ ăn uống kết hợp với thuốc để đạt được mức đường huyết mong muốn, an toàn.
Đối với người bình thường: khi sử dụng máy để tầm soát dự phòng, nếu thấy kết quả vượt quá giá trị bình thường thì không được tự ý cho là bị bệnh và tự mua thuốc uống mà phải đến gặp bác sĩ để được khám và cho xét nghiệm đường huyết lại lần nữa để chẩn đoán chính xác. Mặc dù máy đo đáng tin cậy để theo dõi và điều trị nhưng máy cũng không hoàn hảo. Kỹ thuật dùng trong máy đo đường huyết tại nhà không chính xác bằng thử nghiệm được thực hiện tại bệnh viện hoặc các phòng xét nghiệm.
Quy trình đo đường huyết
Bước 1: Gắn kim vào bút phóng, đậy nắp bút phóng lại
Bước 2: Gắn que thử vào máy, để ở chế độ sẵn sàng (khi thấy biểu tượng giọt máu hiện lên trên thân máy)
Bước 3: Sát trùng chỗ chích máu, thường là mặt bên của đầu ngón áp út ở tay không thuận. Đặt sát miệng bút phóng vào chỗ da đã sát trùng rồi bấm nút cho kim tự phóng ra đâm xuyên qua da và tự thu về trong thời gian rất ngắn
Bước 4: Để máu tự chảy và hứng que thử đã gắn sẵn trong máy vào, chỉ cần một giọt là đủ, chờ máy đọc kết quả. Đặt gòn đè lên vết thương để cầm máu.
Theo http://maydohuyetap.com.vn/may-do-huyet-ap/may-do-duong-huyet.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét